Hướng dẫn chi tiết cách nuôi dế sinh sản cao

Cách nuôi dế

Dế sinh sống trong chuồng nuôi không chiếm nhiều diện tích, ít mầm bệnh, sinh sản cao. Nhìn chung, nuôi dế đơn giản và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao nhưng điểm yếu là dế có vòng đời ngắn ngủi. Sắc Ngọc Khang sẽ hướng dẫn cách nuôi dế sinh sản cao chi tiết nhất giúp bà con giảm thiểu rủi ro trong lúc chăn nuôi dế.

Cách chọn con giống sinh sản tốt

Ở Việt Nam có 3 giống dế nuôi phổ biến là dế ta, dế Thái và dế cơm. Trong đó, dế Thái và dễ ta dễ nuôi nên thường được chọn mua. Còn dế cơm tuy to lớn hơn nhưng giá thành rất đắt, lại khó nuôi và khó chăm sóc.

Về chọn giống, bà con cần phân biệt đặc điểm, hình thể tốt của dế đực và dế cái để khi nuôi sẽ đảm bảo số lượng sinh sản hiệu quả nhất trong mỗi lứa:

  • Dế đực: có đầu to, bụng thuôn và nhỏ. Cánh dế đực màu đen hoặc đen pha nâu và nhìn không bóng loáng bằng dế cái. Vào mùa sinh sản ban đêm, dế đực sẽ gáy vang để gọi dế cái.
  • Dế cái: có bụng lớn do chứa nhiều trứng. Dế cái có cánh bóng loáng với màu sắc đen nháy. Nhìn ở đít dế sẽ có một máng dài đựng và đẻ trứng. Dế cái không biết gáy như dế đực. 

Sau khi biết cách phân biệt, bà con dựa vào lưu ý sau đây để tìm ra dế đực và dế cái khỏe mạnh, sinh sản tốt cho chăn nuôi trong mô hình: 

  • Chọn những con dế giống thì nhanh nhẹn, to khỏe, không mắc bệnh.
  • Ưu tiên chọn dế cái có cái con bụng lớn.
  • Dế đực to khỏe, cánh mượt và tiếng gáy to.

Tỉ lệ dế đực, dế cái khi nuôi đẻ trứng thường là 15 con đực sống chung môi trường với 30-45 con. 

Chuẩn bị dụng cụ hỗ trợ nuôi dế

Kỹ thuật nuôi dế sinh sản trong môi trường phát triển tốt thì các công cụ, thực phẩm nuôi dế cần đảm bảo chất lượng, vệ sinh. Sau đây bà con cần chuẩn bị một số dụng cụ để làm chuồng nuôi dế như: làm chuồng nuôi, làm giá đậu, chuẩn bị khay đựng thức ăn nước uống, khay cho dế đẻ và bình tưới đất nuôi dế. 

Làm chuồng nuôi dế

Cách nuôi dế có thể ở môi trường nhiệt độ cao lên 40 đến 45 độ C, vì thế việc lựa chọn khu vực nuôi cũng đơn giản. Bà con có thể tận dụng địa điểm nuôi như trong nhà kho, sân thượng, ban công, sân trước nhà,… miễn nơi đó có mái che để làm chuồng nuôi dế.

Một số vật liệu để làm chuồng nuôi dế mà bà con có thể tự chế tạo: 

Làm chuồng bằng thùng carton (khoảng 60x60cm): nuôi từ 1 đến 2 kg dế. Chọn carton vì có chất liệu khô thoáng, không lên mùi, hút ẩm tốt, lâu thay mới.

cách nuôi dế
Hoàn toàn có thể nuôi dế trong thùng carton

Làm chuồng bằng thùng gỗ: phù hợp với những mô hình nuôi dế có quy mô lớn. Chọn thùng gỗ vì tiết kiệm thời gian chăm coi, dùng được bền lâu. Bà con lưu ý, tùy từng quy mô nuôi dế sinh sản mà kích thước thùng nuôi sẽ khác nhau: 

  • Kích thước 60cmx1,2m: nuôi trong chuồng khoảng 20.000 dế con (1 đến 10 ngày tuổi) và nếu nuôi dế thịt là khoảng 5kg dế.
  • Kích thước 1,2×1,2m: nuôi trong chuồng khoảng 40.000 dế con (1-10 ngày tuổi) và nếu nuôi dế thịt là khoảng 10kg dế. 

Làm chuồng bằng thùng lưới: phù hợp để nuôi dế vào mùa hè vì dế chịu được nhiệt độ cao và sống tốt trong môi trường thông thoáng.

Làm chuồng nuôi bằng xô: nuôi được 20 dế cái và 10 dế đực sinh sản trong một xô có dung tích 45 lít. Hoặc nuôi được 30 dế cái và 15 dế đực sinh sản trong xô 80 lít.

Giá đậu cho dế

Dế rất thích leo trèo, bay nhảy nên bà con sử dụng rế (cái rế thường được dùng đặt nồi cơm gang) để cho vào chuồng nuôi. Dế đạt độ tuổi nhất định mới được để rế vào chuồng: 

  • Dế nuôi từ 4 đến 5 ngày tuổi, đặt vào thùng nuôi 1 cái rế cho chúng trèo vào.
  • Dế nuôi từ 20 – 30 ngày tuổi, đặt 3 – 4 cái rế nồi xếp chồng lên nhau.
  • Dế thịt từ 30 – 50 ngày tuổi, xếp vào khoảng 5 – 6 cái rế nồi.
Cách nuôi dế
Sử dụng rế hoặc vật dụng khác bằng tre, gỗ,… để cho dế trèo

Khay đựng đồ ăn nước uống cho dế

Bà con có thể sáng tạo nhiều đồ vật để làm khay đựng thức ăn cho dế như: bìa thùng carton cứng, miếng mica, nắp của xô nhựa,… 

Với khay đựng nước dế uống, có thể dùng khay nhựa có thành cao từ 0,5-0,7cm và ngấn nước bên trong cao từ 2-3mm.  

Một số lưu ý cần ghi nhớ để dế không gặp nguy hiểm trong ăn uống: 

  • Không nên để khay nước quá cao và quá nhiều, dế có thể bị chết đuối. 
  • Khay đồ ăn thức uống phải luôn vệ sinh hàng ngày, loại bỏ thức ăn thừa, thức ăn ôi thiu. 
  • Trong thức ăn của dế có cỏ và rau chứa nhiều nước, nên dế không cần uống nước nhiều. 
  • Trong giai đoạn dế bắt đầu lớn, bà con bổ sung nhiều nước hơn cho dế uống.

Khay đẻ cho dế

Môi trường ngoài tự nhiên, thói quen sinh sản của dế là đẻ vào cát. Vậy nên khi dế sinh sản, bà con làm khay đẻ cho dế bằng xi măng, cát nhân tạo có đường kính từ 10 đến 15cm, chiều cao 1,5 đến 2cm, vành mặt trên có mép rộng 1 hoặc 2cm và khoét 1 lỗ như gạt tàn ở giữa khay để đưa đất vào bên trong. 

Lưu ý khi để đất vào khay đẻ phải ẩm mịn và tơi xốp. Trung bình với mỗi thùng nuôi dế cần chuẩn bị từ 20-25 khay/lứa sinh sản.

Cách nuôi dế
Khay để cho dế luôn chứa đất ẩm mịn, tơi xốp

Bình phun sương

Bà con chuẩn bị bất kỳ loại bình phun sương nào cũng được. Dùng bình để phun sương, tưới ẩm lên cỏ trong giai đoạn dế còn non và giai đoạn ấp trứng. 

Hướng dẫn cách nuôi dế hiệu quả cao 

Kỹ thuật nuôi dế sinh sản không quá phức tạp nhưng để thành công, giảm thiểu rủi ro số lượng sinh sản cho dế thì cần tuân thủ theo đúng các hướng dẫn kỹ thuật dưới đây: 

Chọn thức ăn cho dế

Vậy dế mèn ăn gì? Có 3 loại thức ăn dành cho dế mèn: 

  • Thức ăn tinh: bà con có thể dùng các loại cám để nuôi cá, nuôi gia súc (gà, vịt) hoặc có thể tự nghiền cho dế ăn bằng máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Với thức ăn tinh cung cấp các chất dinh dưỡng, khoáng chất giúp cho dế được sinh trưởng và phát triển tốt và đồng đều.
  • Thức ăn xanh: có thể dễ tìm mua đó là lá khoai lang, cỏ, xà lách, rau bắp cải, rau xam, lá cây non,… Ngoài ra, bà con có thể dùng sẵn cỏ mọc ngoài tự nhiên hoặc tự trồng các loại cỏ như: cỏ gấu, cỏ ruzi, cỏ gà, cỏ sả lá nhỏ, cỏ nhung,…
  • Thức ăn củ quả như: vỏ dưa hấu, cà rốt, dưa gang, cà rốt, khoai lang, bí đỏ, dưa chuột,… là các loại củ quả ưa thích của dế.

Cách cho dế mèn ăn

Trước khi cho dế ăn, bà con cần đảm bảo thức ăn cần phải sạch sẽ, không được ẩm mốc, hư thối và dế cực kỳ dễ mẫn cảm với mùi lạ.

  • Đối với thức ăn tinh: cần được nghiền hoặc nhuyễn mịn, có thể trộn nhiều nguyên liệu khác nhau nhưng phải trộn đều tay. Rải cám cho dế ăn với một lượng vừa đủ. 
  • Đối với thức ăn xanh: búi thành từng bó nhỏ khoảng 50-70g một bó. Một lần cho dế ăn từ 1-2 bó cỏ. 
  • Thức ăn củ quả: cần cắt nhỏ ra rồi mới đem cho dế ăn.
Cách nuôi dế
Thức ăn cho dế như cỏ xanh luôn phải tươi tốt, không hư héo

Tìm hiểu vòng đời của dế sinh sản

Dế có vòng đời rất ngắn nên thời kỳ sinh sản của dế là 45 đến 60 ngày tuổi. Thời kỳ sinh sản, dế đực sẽ dùng tiếng gáy để kêu gọi bạn tình. Trong thời gian dế đực sinh sản sẽ rất hung hăng, đánh nhau với con đực khác cho đến chết chỉ để dành bạn tình. 

Về phần dế cái sau khi thụ tinh thành công thì dế cái sẽ sinh sản liên tục trong vòng 20 đến 25 ngày. Mỗi một con dế cái đẻ lên tới 600 – 700 quả trứng. Khi đẻ hết trứng cũng là lúc chúng sẽ chết.

Cách chuẩn bị cho dế đẻ

  • Nhận biết lúc dế chuẩn bị đẻ như sau: 

Sau khi bà con nghe tiếng dế đực gáy 2-3 ngày là có thể cho dế cái vào thụ tinh chung thùng nuôi với dế đực. Xếp các khay chuẩn bị cho dế để từ trước vào thùng.

Để nhận biết con cái sắp sinh sản, bà con quan sát phần hậu môn phía sau của chúng sẽ từ từ tiết ra chất dịch nhầy màu trắng. Khoảng từ 1-2 ngày đầu tiên dế cái sẽ đẻ trứng rải rác xung quanh chuồng nuôi. Hình dáng của trứng dế sẽ nhỏ và dài như hạt gạo, có màu trắng ngà.

Cách nuôi dế
Trứng dế mới nở có màu trắng ngà, nhỏ như hạt cơm
  • Cách cho dế sinh sản:

Từ ngày thứ 3 trở đi sẽ là khoảng thời gian lý tưởng cho dế sinh sản vào ban đêm. Thế nên, bà con canh giờ khoảng 6h tối, đi đặt các khay vào thùng nuôi cho dế đẻ, dế sẽ đậu vào khay để đẻ trứng. 

Khi dế đẻ xong bà con chỉ cần thu các khay trứng lại và đánh số thứ tự. Đến 6h tối ngày hôm sau lại tiếp tục đưa các khay đẻ khác vào thùng nuôi dế sinh sản.

Ấp trứng dế

Sau khi thu khay trứng, bà con xếp lần lượt vào thùng ấp theo số thứ tự trước sau và ghi ngày tháng để tránh bị nhầm lẫn. Tiếp đến, bà con dùng bình phun sương vừa đủ lên đất tạo độ ẩm khoảng 2 – 3 lần. Không được để đất nuôi thiếu nước vì gây ra tình trạng đất bị khô, trứng không nở được.Nhiệt độ phòng để ấp trứng dế là từ 24 – 25 độ C, chăm sóc khoảng 7-10 ngày thì trứng bắt đầu nở, còn nếu thời tiết lạnh thì đợi khoảng 15 – 20 ngày. 

Khi trứng sắp đến ngày nở (nhìn vào ngày tháng và số thứ tự ghi trên khay) để đưa khay vào thùng nuôi khác và xếp từ 1 – 3 khay trứng. Thời gian để nở hết trứng trong khay nuôi là từ 5 – 7 ngày và nở nhiều nhất là bắt đầu vào ngày thứ 3.

San thùng 

Khi san thùng, bà con cẩn thận nghiêng thùng 1 góc 90 độ để dế dồn xuống phía nghiêng. Lúc này, những con lớn hơn khác cũng sẽ xông lên phía trước, bà con dùng tấm bìa carton để gạt nhẹ chúng sang một thùng khác.

Bà con lưu ý không được dùng tay để bắt dế vì sẽ làm dế con bị chết.

Cách nuôi dế thịt từ 30 – 45 ngày

Giai đoạn dế được 30 đến 45 ngày tuổi, dế bắt đầu lột xác lần 2 nên cần xếp thêm các rế vào thùng để dế có không gian nhảy nhót, leo trèo. Lúc này dế ăn rất nhanh, khỏe mạnh, sung sức nhất nên người nuôi phải luôn bổ sung đầy đủ thức ăn mỗi ngày. Ưu tiên thức ăn tinh cho dế trong giai đoạn phát triển. 

Cách nuôi dế
Dế nuôi thịt 30-45 ngày tuổi luôn phải bổ sung thức ăn đầy đủ

Cách thu hoạch dế thịt 

Nuôi dế để thương phẩm, bà con cần ghi nhớ thu hoạch đúng thời điểm và đúng cách để dế không bị suy giảm chất lượng vì dế có vòng đời rất ngắn. Khi thu hoạch dế, bà con chỉ cần dùng vợt nilon để bắt dế bỏ vào thùng nuôi, thêm ít cỏ tươi để quá trình vận chuyển dế không bị chết đói. 

Lưu ý chăm sóc dế con 

Cơ thể dế con mới nở chỉ bằng 1 con kiến, có màu trắng, sau khoảng 3h thì chuyển màu đen và hoạt động được ngay. Lưu ý, dế con có kích thước quá nhỏ, không nên đặt khay nước vào thùng mà chỉ dùng bình phun sương tưới ẩm lên cỏ non.

Sau 10 – 15 ngày nuôi thì mới được đặt khay đựng cám và khay nước vào chuồng nuôi cho dế con ăn. Vệ sinh máng ăn uống hàng ngày, không để vương vãi thức ăn lung tung ra thùng nuôi.

Thời điểm này là lúc dế con sẽ bắt đầu quy trình lột xác lần thứ nhất để lớn, bà con cần san thùng nuôi vừa với kích thước cơ thể của chúng. Không nên nuôi mật độ dày trong không gian chật chội, với 1 thùng có bán kính đế 40 – 50cm và chiều cao 50 – 60cm:

  • Dế con từ 1 đến 10 ngày tuổi: nuôi mật độ 3.000 – 4.000 con.
  • Dế con từ 15 – 20 ngày tuổi: nuôi mật độ 1.500 – 2.000 con.
  • Dế con bắt đầu mọc cánh sẽ nuôi được ở mật độ 500 – 700 con.

Bà con thường xuyên dùng đèn pin quan sát chuồng nuôi, nếu phát hiện có con bị chết, dập cánh, chân rụng quá nhiều… thì phải chia đàn ngay do mật độ dày.

Sắc Ngọc Khang đã chia sẻ xong cách nuôi dế chi tiết, không tốn nhiều chi phí, ai cũng có thể tự tin bắt đầu nuôi dế. Hy vọng bà con chăn nuôi dế sinh trưởng thành công và hiệu quả sản xuất cao. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *