Tỷ lệ mắc các bệnh nội tiết đang có xu hướng tăng tại Việt Nam, đặc biệt là những người trưởng thành. Những căn bệnh này gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.
Hãy cùng Sắc Ngọc Khang theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm về các bệnh nội tiết thường gặp nhé!
Khái quát về hệ thống nội tiết
Hệ thống nội tiết là một mạng lưới phức tạp của các tuyến và cơ quan, phối hợp hoạt động để điều hòa các chức năng cơ thể, bao gồm: Tuyến yên, tuyến giáp và tuyến cận giáp, vùng dưới đồi, tuyến ức, tuyến tụy, tuyến thượng thận, buồng trứng, tinh hoàn
Mỗi tuyến nội tiết sẽ sản sinh ra một hoặc nhiều hormone khác nhau. Hormone là các chất hóa học được giải phóng vào máu và di chuyển đến các cơ quan và mô để truyền thông điệp và điều hòa nhiều chức năng quan trọng của cơ thể, bao gồm:
- Tăng trưởng và phát triển
- Chuyển hóa
- Sinh sản
- Chức năng miễn dịch
- Cân bằng điện giải
Rối loạn nội tiết là tình trạng hàm lượng hormone được sản xuất quá nhiều hay ít, hoặc nếu các cơ quan trong cơ thể không phản ứng với hormone. Rối loạn nội tiết có thể gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Các bệnh nội tiết thường gặp
Bệnh tiểu đường
Tại Việt Nam, hơn 55% bệnh nhân tiểu đường (đái tháo đường) có biến chứng, trong đó biến chứng tim mạch chiếm 34%, biến chứng mắt và thần kinh chiếm 39,5%, biến chứng thận chiếm 24%.
Bệnh tiểu đường là một tình trạng rối loạn chuyển hóa đường trong máu, đặc trưng bởi lượng đường trong máu luôn cao hơn mức bình thường. Nguyên nhân là do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, một loại hormone được sản xuất bởi tuyến tụy giúp cơ thể chuyển hóa đường thành năng lượng.
Khi lượng đường trong máu cao, cơ thể không thể sử dụng đường một cách hiệu quả và đường sẽ tích tụ trong máu. Sự tích tụ này lâu ngày có thể dẫn đến nhiều biến chứng, bao gồm:
- Biến chứng tim mạch: là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người mắc bệnh tiểu đường.
- Biến chứng mắt và thần kinh: có thể dẫn đến mù lòa, suy giảm thị lực, tê bì chân tay, rối loạn thần kinh.
- Biến chứng thận: có thể dẫn đến suy thận, thậm chí phải chạy thận nhân tạo.
- Biến chứng mạch máu ngoại vi: có thể dẫn đến hoại tử, nhiễm trùng, thậm chí phải cắt cụt chi.
- Biến chứng nhiễm trùng: do cơ thể suy yếu, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng đường tiết niệu…
Bệnh cường giáp
Bệnh cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức, sản xuất nhiều hormone tuyến giáp hơn nhu cầu của cơ thể. Các triệu chứng của bệnh cường giáp có thể bao gồm: Tim đập nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực, mệt mỏi, khó ngủ, sút cân mặc dù ăn nhiều, run tay, lo âu, bồn chồn, tiêu chảy, táo bón, tóc rụng, mắt lồi, thay đổi thị giác, bướu cổ…
Cường giáp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Bệnh tim mạch: rung nhĩ, rối loạn chức năng tâm trương, giảm phân suất tống máu, dày thất trái, co thắt cơ tim, loãng xương
- Loãng xương
- Cơn bão giáp (cường giáp cấp): là một tình trạng nguy hiểm đe dọa tính mạng, có thể dẫn đến suy tim, hôn mê và tử vong
Có ba phương pháp điều trị cường giáp chính: Điều trị nội khoa bằng thuốc, I-ốt phóng xạ, phẫu thuật.
Suy giáp
Suy giáp là một tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone tuyến giáp. Điều này có thể dẫn đến tổn thương các mô và cơ quan, khiến hoạt động của một số cơ quan trong cơ thể bị chậm lại.
Các triệu chứng thường gặp của suy giáp là: Tăng cân, mệt mỏi, táo bón, rụng tóc, rụng lông mày, lông nách, lông mu thưa, đau khớp, da khô, nhịp tim chậm, tim to, tràn dịch màng tim, nếu suy giáp nặng có thể suy tim, phù niêm mạc toàn thể, da mỡ, sợ lạnh…
Phương pháp điều trị suy giáp thường là bổ sung hormone tuyến giáp thông qua việc uống thuốc.
Trường hợp không điều trị kịp thời, suy giáp có thể ảnh hưởng đến tim mạch, vô sinh.
Suy tuyến thượng thận
Suy tuyến thượng thận là tình trạng tuyến thượng thận không sản xuất đủ hormone cần thiết cho các chức năng sống của cơ thể như quá trình trao đổi chất, hệ miễn dịch, phản ứng căng thẳng, điều chỉnh huyết áp, cân bằng muối và nước…
Triệu chứng của suy tuyến thượng thận thường xuất hiện dần dần và có thể bao gồm: Mệt mỏi, giảm ham muốn tình dục, yếu cơ, tụt huyết áp, mất kinh nguyệt, chóng mặt, tăng nhạy cảm với lạnh…
Suy tuyến thượng thận có thể gặp ở mọi lứa tuổi và cả nam lẫn nữ. Tuy nhiên, bệnh thường gặp hơn ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ sau sinh.
Suy tuyến thượng thận thường được điều trị bằng thuốc bổ sung hormone.
Hội chứng Cushing
Hội chứng Cushing là một bệnh lý nội tiết do rối loạn chức năng của vỏ tuyến thượng thận làm tăng quá mức cortisol không kìm hãm được. Cortisol là một hormone quan trọng của cơ thể, có vai trò trong nhiều quá trình chuyển hóa, miễn dịch và đáp ứng stress.
Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra hội chứng Cushing gồm: U tuyến thượng thận, bệnh Cushing, sử dụng thuốc corticosteroid.
Các triệu chứng của hội chứng Cushing thường xuất hiện từ từ và có thể thay đổi tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh: Mặt tròn bất thường, tăng cân, da mỏng và dễ bầm tím, rạn da, lông mọc nhiều, yếu cơ, tầm nhìn mờ, giảm ham muốn tình dục và khả năng sinh sản,…
Mục tiêu của điều trị hội chứng Cushing là giảm mức độ cortisol trong máu về mức bình thường. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh:
- U tuyến thượng thận: Phẫu thuật nội soi là phương pháp điều trị phổ biến nhất, giúp loại bỏ u tuyến thượng thận.
- Bệnh Cushing: Có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
- Hội chứng Cushing do thuốc: Giảm hoặc ngừng sử dụng thuốc corticosteroid là phương pháp điều trị chính.
Bệnh to đầu chi
Bệnh to đầu chi là một tình trạng rối loạn nội tiết, trong đó tuyến yên sản xuất quá nhiều hormone tăng trưởng. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển bất thường của các mô, cơ quan và xương.
Các triệu chứng phổ biến của căn bệnh này là: Đau đầu, xương tăng trưởng bất thường, trán và hàm dưới nhô ra, cơ bắp phát triển to, da dày…
Một số biến chứng của bệnh to đầu chi: suy tim, suy gan, suy phôi, u ác tính…
Suy tuyến yên
Tuyến yên là một tuyến nhỏ nhưng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều hòa hoạt động của các tuyến nội tiết khác trong cơ thể. Hormone do tuyến yên tiết ra có tác dụng kích thích các tuyến nội tiết khác sản xuất hormone của riêng chúng.
Suy tuyến yên là một tình trạng rối loạn nội tiết, trong đó tuyến yên không sản xuất đủ hormone, hoặc không sản xuất hormone nào cả.
Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm:
- Tăng trưởng và phát triển
- Chức năng sinh sản
- Chức năng chuyển hóa
- Chức năng tim mạch
- Chức năng thần kinh
Kết luận
Trên đây là những thông tin cơ bản để giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về các bệnh nội tiết thường gặp.
Có thể thấy, các bệnh lý nội tiết gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Một số bệnh phải sử dụng thuốc điều trị suốt đời nhằm kiểm soát các cơ quan nội tiết hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, các bệnh này thường khó xác định do có nhiều triệu chứng âm thầm và biểu hiện giống với các bệnh lý khác. Do đó, nếu thấy cơ thể bạn xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ liên quan đến rối loạn nội tiết thì bạn cần đi khám bệnh nội tiết sớm.
Ngoài ra, chúng ta nên duy trì việc khám sức khỏe định kỳ và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để phòng bệnh ghé thăm và đề phòng các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Lưu ý:
- Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không có giá trị thay thế cho chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
- Để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và được điều trị phù hợp, người bệnh cần tới các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ trực tiếp thăm khám.
Xem thêm: Tham khảo sản phẩm hỗ trợ cân bằng nội tiết tố nữ TẠI ĐÂY.