NỘI DUNG CHÍNH
Dầu ăn bổ sung nhiều chất béo cho cơ thể người. Tùy loại dầu mà những công dụng của nó sẽ khác nhau. Việc của các ông bố và mẹ là lựa chọn loại dầu thích hợp với nhu cầu dinh dưỡng của con mình để cho bé một sức khỏe tốt và phát triển toàn diện về thể chất cũng như trí não. Để trả lời câu hỏi “Có nên cho bé ăn dầu ăn?” thì bài viết sau sẽ giúp bố mẹ hiểu hơn về vấn đề trên.
Vai trò của dầu ăn trong chế độ dinh dưỡng của trẻ
Khi trẻ đến tuổi ăn dặm, bạn cần bổ sung chất béo cho bé bằng dầu ăn. Dầu ăn (bao gồm dầu thực vật hoặc dầu cá) được xếp vào nhóm thực phẩm cung cấp chất béo (cùng những sản phẩm khác như mỡ, bơ…). Đây là nhóm chất dinh dưỡng rất quan trọng, đóng vai trò chính trong cung cấp năng lượng cho trẻ, giúp hình thành mô mỡ có chức năng điều hòa thân nhiệt, cung cấp chất béo giúp cho quá trình hấp thu các vitamin quan trọng trong cơ thể (A, D, E, K ), giúp hoàn thiện cấu trúc như mô não và một số hóc-môn quan trọng khác…
Tìm hiểu thêm: Mẹ có biết 9 loại thực phẩm đe dọa tính mạng bé?
Bạn nên chọn loại dầu ăn nào?
Dầu vừng
Dầu vừng chứa nhiều vitamin E, một chất chống ô-xy hóa bảo vệ tim và làm giảm nguy cơ ung thư, vitamin K cần cho cơ chế đông máu. Nó cũng chứa chất béo không bão hòa, giúp bé phát triển và bảo vệ khỏi bệnh tim mạch khi trưởng thành.
Dầu ô-liu
Dầu ô-liu chứa các a-xít béo được tìm thấy trong sữa mẹ, vitamin A, C, D, E, K và vitamin nhóm B. Chúng giúp bé tăng trưởng và phát triển tốt. Các a-xít oleic giúp trí não phát triển, ngăn ngừa hoặc hạn chế hen suyễn. Bổ sung dầu ô-liu trong chế độ ăn của bé còn giúp nhuận tràng, giảm táo bón.
Dầu gấc
Dầu gấc có chứa beta-carotene (nhiều gấp 10 lần so với cà-rốt), lycopene (cao gấp 70 lần so với cà chua), vitamin E, các a-xít béo rất quan trọng cho sự hấp thu chất dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Dầu cá hồi
Loại dầu này giàu omega 3, thường thấy trong các loại hải sản, tốt cho sự phát triển của da, mắt và não. Chất này giúp bé thông minh hơn, cải thiện thị lực, tăng cường miễn dịch, ngăn chặn bệnh eczema, giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, tiểu đường type 2, trầm cảm và giảm hiếu động thái quá.
Cách sử dụng
- Với dầu ô-liu: bạn không nên cho bé ăn quá nhiều vì dễ gây tiêu chảy. Bạn chỉ cho một thìa cà-phê dầu vào một bát bột hoặc cháo.
- Với dầu vừng: Nếu bé đang bú sữa mẹ, bạn có thể bổ sung dầu vừng vào chế độ ăn của mình, nhờ đó bé sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ loại dầu này. Bạn cũng có thể dùng để nấu bột hoặc cháo cho bé, nhưng sau khi chế biến món ăn xong bạn mới cho dầu vừng vào để bảo toàn dưỡng chất.
- Với dầu cá hồi: chỉ cho vào các món ăn sau đã múc thức ăn ra bát và để nguội khoảng 50°C.
- Dầu gấc: Để bổ sung vi chất và phòng chống suy dinh dưỡng cho con, khi bột, cháo chín, bạn thêm một thìa cà-phê dầu gấc vào bát, trộn đều, để nguội rồi cho bé ăn.
Lưu ý khi sử dụng dầu ăn cho trẻ
Mỗi loại dầu ăn đều có ưu điểm riêng vì vậy, các mẹ nên dùng xen kẽ các loại dầu ăn để cung cấp đa dạng dưỡng chất cho trẻ. Hạn chế sử dụng một loại dầu trong suốt thời gian dài dễ gây nên hiện tượng vừa thừa vừa thiếu chất.
Dầu ăn nhạy cảm với nhiệt độ, ánh sáng và ôxy, vì vậy, nên để dầu ăn ở nơi thoáng, mát, khô, chỉ nên đem chai dầu ra khỏi nơi bảo quản trong thời gian ngắn cần sử dụng. Riêng dầu thực vật có chứa nhiều acid béo bão hòa như dầu dừa, dầu cọ… có thể để ở nhiệt độ phòng.
Như vậy, bé ăn dặm có thể bổ sung các loại dầu ăn từ quả oliu, gấc, cá hồi,… nhưng các mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng để có lời khuyên thích hợp để chọn mua những sản phẩm dầu ăn uy tín trên thị trường. Các mẹ cũng thể tự tay làm dầu ăn cho bé nhưng cần bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát và tránh nhiệt độ cao.